Đông Bắc Việt Nam

Ruộng bậc thang ở Lào Cai

Ruộng bậc thang ở Lào Cai
Tiềm năng và thế mạnh nổi trội |
1. Đông Bắc có vị trí quan trọng. Một mặt vùng này nằm liền kề với vùng Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH), một phần lãnh thổ nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (vùng PTKTTĐ Bắc Bộ), có những trục giao thông nan quạt quy tụ về thủ đô Hà Nội tạo ra thuận lợi lớn cho vùng trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học - kỹ thuật giữa Đông Bắc với các vùng trong cả nước, nhất là với Đồng bằng Sông Hồng, vùng PTKTTĐ Bắc Bộ. Phía Đông của Đông Bắc tiếp giáp với 250 km bờ biển, có khoảng 3000 hòn đảo, một số nơi có thể xây dựng được cảng nước sâu có ý nghĩa không chỉ cho Bắc Bộ, mà còn có thể cho cả phía Tây Nam Trung Quốc. Phía Bắc của vùng tiếp giáp với Trung Quốc với hơn 1180km biên giới trong tổng số gần 1500 km đường biên giới đất liền giữa nước ta và Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu, trong đó có một số cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị, Móng Cái, Lào Cai,... có thể dần dần mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với thị trường Trung Quốc rộng lớn, nếu ta có sức cạnh tranh. 2. Đông Bắc là một vùng giàu tài nguyên khoáng sản ở nước ta. Trong đó có những loại có trữ lượng lớn như: than chiếm 90%, apatit 100%, đồng 70% của cả nước; ngoài ra còn có nhiều đá vôi để sản xuất xi măng, sắt, chì, kẽm, thiếc v.v... Đây là thế mạnh lớn, là cơ sở rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản góp phần vào sự khởi động và triển khai công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của vùng và cả nước. 3. Đông Bắc có địa hình đa dạng cùng với khí hậu phân dị tạo ra thảm thực vật phong phú với những sản phẩm đặc thù có giá trị cao. Tuy nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhưng Đông Bắc lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc. Khí hậu phân dị tạo ra nhiều tiểu vùng... cho phép phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi rất đa dạng và phong phú, trong đó có những loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như chè (chè Tuyên Quang, chè Thái Nguyên, chè tuyết, chè vàng), hồi, quế, sơn, mận hậu, mơ, hồng, nhiều loại dược liệu quí, v.v... 4. Đông Bắc có tiềm năng du lịch rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là tiềm năng du lịch biển (vịnh Hạ Long, bãi biển Trà Cổ...), du ngoạn các hồ nước lớn trên núi (Núi Cốc, Ba Bể, Cấm Sơn, Thác Bà,...), du lịch leo núi và nghỉ dưỡng (Sa Pa, Tam Đảo, Cổng Trời, nhiều hang động,...), tham quan di tích lịch sử (văn hoá Đông Sơn, Đền Hùng, hang Pắc Pó, cây đa Tân Trào, an toàn khu...), du lịch lễ hội (Hội Lim, hội Đền hùng, hội chùa Yên Tử,...)... 5. Quỹ đất lớn, nguồn nước tương đối dồi dào (trừ một số nơi ở vùng cao và ven biển) thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế. - Quỹ đất có khả năng sử dụng cho nông nghiệp, lâm nghiệp nhìn chung không thuộc loại xấu và có thể được khoảng 5 triệu ha (trong đó nông nghiệp khoảng 1 triệu ha, lâm nghệp khoảng 4 triệu ha), hiện đã sử dụng 2,7 triệu ha, chiếm 54% so với tiềm năng. Diện tích có thể tăng thêm khoảng 2,3 triệu ha (trong đó khoảng 10% dành cho cây lâu năm, 10% cho đồng cỏ, 75% cho lâm nghiệp); hàng ngàn ha để phát triển các khu, cụm công nghiệp và hình thành các đô thị mới... - Nguồn nước tương đối dồi dào, chất lượng tốt. Trên lãnh thổ Đông Bắc có những sông lớn chảy qua là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Kì Cùng, sông Bằng Giang, sông Cầu,... Ngoài ra còn nhiều sông nhỏ ven biển Quảng Ninh... tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác nguồn nước và phát triển giao thông phục vụ sản xuất và đời sống. ở nhiều khu vực nguồn nước ngầm tương đối khá. Tuy nhiên nguồn nước ở một số nơi thuộc vùng cao núi đá vôi và khu vực ven biển bị hạn chế. 6. Nhân dân các dân tộc trong vùng Đông Bắc có truyền thống cách mạng, đoàn kết qua nhiều thời kì đấu tranh giữ nước và dựng nước. Sớm có các đội ngũ công nhân công nghiệp (vùng mỏ,...) |