Tam Quốc Diễn Nghĩa
La Quán Trung
Hồi 1
Hội Ðào Viên Anh Hùng Kết Nghĩa
Ðánh Huỳnh Cân Hào Kiệt Lập Công
(Và cũng là bài ca kết thúc)
Sông dài cuồn cuộc ra khơi ,
Anh hùng : sóng dập, cát vùi thiên thu...
Dở hay, thành bại nào đâu?
Bể dâu chớp mắt , nghoảnh đầu thành mơ !
Non xanh còn đó trơ trơ ,
Tà dương lần lửa sưởi hơ ánh hồng.
Lão tiều gặp lại ngư ông ,
Bên sông gió mát , trăng trong , kho trời.
Rượu vò lại rót khuyên mời ,
Cùng nhau lại kể chuyện thời xa xưa...
Kể ra biết mấy cho vừa?
Nói cười hỉ hả , say sưa quên đời...
Phàm thế cuộc trong thiên hạ (#1), chia rồi lại hợp, hợp rồi lại chia. Tỷ như nhà Châu mất vận, bảy nước phân tranh, sau đó nhà Tần lại gồm thâu về một mối. Rồi khi nhà Tần bị diệt vong, để cho Hán, Sở tranh hùng, và cuối cùng Hán đã diệt Sở để thu về một mối.
Nhà Hán kể từ vua Cao Tổ là Lưu Bang trảm xà khởi nghĩa thống nhất được thiên hạ, giữ lấy ngai vàng cho Đến khi vua Quang Vũ là Lưu Tú quật khởi, giết loạn thần là Vương Mãng, phục hưng cho nhà Hậu Hán (#2), rồi truyền Đến đời vua Hiến Đế thì bị chia làm ba nước. Cái nguyên do rối loạn sau này là do tới hai ông vua Hoàn Đế và Linh Đế.
Vua Hoàn Đế giam cầm các bề tôi trung trực, lại tin dùng bọn hoạn quan, làm cho thế nước bị suy vị Khi vua Hoàn Đế băng hà, vua Linh Đế lên nối ngôi, có quan Đại Tướng Quân Đậu Vũ và quan Thái Phó Trần Phồn cùng giúp việc trị nước. Hai vị tôi thần nầy vốn một lòng trung nghĩa, nhưng bên cạnh lại có bè lũ hoạn quan Tào Tiết chuyên quyền làm bậy. Đậu Vũ và Trần Phồn lập mưu tru diệt bọn này để trừ tai họa cho nước, chẳng may cơ mưu bị bại lộ, hai vị tôi thần nầy đều bị chúng hãm hại.
Từ đó, bọn hoạn quan càng lộng quyền, chúng liên kết với loạn thần tác yêu, tác quái.
Năm Kiến Ninh thứ hai (niên hiệu của vua Linh Đế), tháng tư ngày rằm, nhà vua ngự ra điện ôn Đức, vừa ngồi xuống ngự ỷ, bỗng có một trận cuồng phong rất lớn nổi lên, rồi một con rắn xanh to tướng từ trên sà ngang cung điện rơi xuống nằm ngang trên ngự ỷ. Vua thất kinh ngã lăn ra bất tỉnh, các quan hầu cận phải đưa vua vào nội cung cứu cấp.
Nhưng chỉ trong giây lát, con rắn biến đi đâu mất, trời lại nổi lên một trận cuồng phong dữ dội, mưa tuôn như trút nước. Kế đó, mưa đá lại rơi theo tới hơn nửa ngày, nhà cửa bị hư sập vô số.
Vào tháng hai, năm Kiến Ninh thứ tư, kinh đô Lộc Dương lại bị động đất, rồi nước biển dâng lên tràn ngập cả một miền duyên hải. Dân cư, làng mạc, của cải bị sóng cuốn ra khơi mất tích.
Cũng vào đời vua Linh Đế, vào năm Quang Hòa thứ nhất, tại một vùng thôn dã, có một con gà mái hóa gà trống, rồi đến ngày mồng một tháng sáu, một luồng hắc khí dài hơn mười trượng bay thẳng vào điện ôn Đức.
Cũng vào mùa thu năm đó, trước nhà Ngọc Đường bỗng hiện lên một cầu vồng sáng chói. Sườn núi Ngữ Nguyên bị sụp lở, đất đá đè chết người.
Chỉ trong thời gian mấy năm mà không biết bao nhiêu sự việc ly kỳ xảy ra. Vua buồn bã hạ chiếu hỏi các quan triều thần tới sao có những hiện tượng quái gở như vậy?
Quan Nghị Lang Thái Ung dâng sớ tâu, đại ý nói: "Rắn sa, gà mái hóa gà trống là điềm đàn bà và hoạn quan làm loạn nước... "
Lời tâu rất thống thiết, khiến nhà vua xem xong cũng phải não lòng. Vua chỉ thở dài rồi quay vào thay áo.
Bấy giờ Tào Tiết đứng núp đằng sau vua, xem trộm được tờ biểu, thấy thế tức giận vô cùng, liền bàn mưu với bè đảng của hắn, lập kế gieo tội cho Thái Ung, và cách chức đuổi Thái Ung về làm thứ dân nơi điền lý.
Sau đó bọn Trương Nhượng, Triệu Trung, Phong Tư, Tào Tiết, Hầu Lãm, Kiển Thạc, Trình Khoáng, Hạ Huy, Quách Thắng, tất cả mười người họp nhau xưng là "Thập Thường Thị" chuyên làm điều gian ác.
Vua Linh Đế lại nhu nhược, tin dùng Trương Nhượng như một kẻ tôi trung, việc triều chính đều giao cho Trương Nhượng quyết đoán, Đến nỗi kêu Trương Nhượng bằng "á phụ".
Triều đình càng bê tha thối nát, lòng người muốn nổi loạn, giặc giã khắp nơi dấy loạn lên như ong vỡ tổ.
Bấy giờ, tại quận Cự Lộc có ba anh em họ Trương là Trương Giác, Trương Bảo, và Trương Lương. Trương Giác thi hỏng Tú Tài, không quản đèn sách nữa, ngày ngày vào núi hái thuốc. Bỗng một hôm, Trương Giác gặp một ông lão mặt đỏ như hài đồng, mắt xanh như nước biếc, tay chống gậy lê, kêu Trương Giác vào một hang núi, rồi trao cho ba quyển "thiên thư" và dặn:
- Đây là bộ "Thái bình yêu thuật" ta ban cho con để học. Học được sách này, con phải thay trời mà tuyên hóa, cứu dân độ thế. Còn nếu manh tâm đổi dạ thì sẽ gặt lấy quả báo không nhỏ.
Trương Giác tiếp lấy Thiên thư, bái tạ rồi yêu cầu xin được biết tên ông lão. Ông lão nói:
- Ta chính là Nam Hoa Lão Tiên đây.
Dứt lời hóa thành luồng gió mát bay đi mất.
Trương Giác được bộ sách ấy, ngày đêm tập luyện, chẳng bao lâu đã biết cách kêu mưa gọi gió, và tự xưng hiệu là "Thái Bình đạo nhân".
Được sửa bởi kinhhongtientu ngày 13/03/09, 06:01 pm; sửa lần 3.